Đa dạng sinh học nông nghiệp là gì?
Đa dạng sinh học nông nghiệp là một phần của đa dạng sinh học rộng lớn, bao gồm thực vật và động vật hoang dã, cũng như cây trồng, vật nuôi và các nguồn thực phẩm khác do con người sản xuất. Nó bao gồm sự đa dạng di truyền trong loài, giữa các loài và hệ sinh thái. Thuật ngữ đa dạng sinh học nông nghiệp cũng có thể được áp dụng cho các hệ sinh thái nông nghiệp. Đa dạng sinh học nông nghiệp góp phần đảm bảo an ninh lương thực bằng cách cung cấp các loại thực phẩm đa dạng cho người tiêu dùng, cùng một số lợi ích khác liên quan tới sức khoẻ con người, tăng trưởng kinh tế hay “tác nhân kiểm soát sinh học”.
Đa dạng sinh học ảnh hưởng như thế nào đến nông nghiệp?
Đa dạng sinh học trong nông nghiệp hiện đại quan trọng hơn bao giờ hết. Nó đã, đang và sẽ tiếp tục là một phần quan trọng trong hoạt động nông nghiệp trên toàn thế giới.
Đa dạng sinh học là chìa khóa làm cho nông nghiệp hiệu quả hơn, bền vững hơn và có lợi nhuận. Nông nghiệp là một hệ thống phức tạp đòi hỏi phải cẩn trọng trong quản lý. Sự đa dạng cho phép chúng ta quản lý tốt hơn các nguồn tài nguyên của mình và bảo vệ chúng khỏi sâu bệnh hoặc dịch bệnh bằng cách duy trì một hệ sinh thái lành mạnh với nhiều loài khác nhau sinh sống trong đó.
Đa dạng sinh học có thể hữu dụng trong nông nghiệp theo nhiều cách:
- Nâng cao năng suất cây trồng thông qua cải thiện chất lượng đất.
- Sử dụng tốt hơn nguồn tài nguyên nước.
- Giúp giảm sử dụng hóa chất trong nông nghiệp.
Tại sao đa dạng sinh học đóng vai trò quan trọng trong nông nghiệp?
- Giúp tạo ra đất lành mạnh. Khi có mức độ đa dạng sinh học cao trong một khu vực, đất sẽ khỏe mạnh hơn và giàu chất dinh dưỡng hơn.
- Đảm bảo an ninh lương thực bằng cách cung cấp nhiều loại thực phẩm khác nhau trong cùng một khu vực để nếu một loại cây trồng bị thất bát do hạn hán hoặc các điều kiện khác thì những loại cây trồng khác vẫn có sẵn để thu hoạch;
- Giúp cung cấp các loài thụ phấn để đảm bảo sự sinh sản và tiếp tục vòng đời của các loại cây lương thực thụ phấn như lúa mì, đậu tương và ngô.
- Giúp nông dân và lao động trong ngành nông nghiệp hiểu cách tương tác giữa các loài khác nhau trong một hệ sinh thái. Kiến thức này có thể giúp chúng ta hiểu cách quản lý trang trại, đất đai và quản lý sâu bệnh, dịch hại tốt hơn để có thể phát triển bền vững nguồn cung cấp lương thực cho các thế hệ tương lai
- Giúp chúng ta thích ứng với biến đổi khí hậu bằng cách bảo tồn các nguồn gen có khả năng chống chịu với biến đổi môi trường.
Thực hành canh tác tái sinh để cải thiện đa dạng sinh học
Nông nghiệp tái sinh là một cách tiếp cận toàn diện, canh tác tập trung vào sức khỏe của đất, thực vật và động vật hơn là lợi nhuận ngắn hạn, liên quan đến các thực hành như luân canh cây trồng, che phủ cây trồng, ủ phân hữu cơ, kết hợp quản lý sâu bệnh. Thực hành canh tác tái sinh có thể cải thiện đa dạng sinh học bằng cách tăng số lượng loài trong một khu vực, giúp chúng phát triển mạnh và làm cho khu vực đó ít bị tổn thương hơn trước biến đổi khí hậu. Các biện pháp canh tác tái sinh sẽ giúp phục hồi chất dinh dưỡng, tăng độ màu mỡ của đất thay thế cho đất bị cạn kiệt do sử dụng quá nhiều phân bón hóa học hay thuốc trừ sâu. Khi đất được hồi sinh sẽ cho những cây khoẻ mạnh hơn, tạo ra nhiều chất dinh dưỡng hơn và cần ít đất hơn cho nông nghiệp, đồng nghĩa với giúp ích nhiều hơn cho môi trường sống của động vật hoang dã.
Một số thực hành canh tác tái sinh giúp cải thiện đa dạng sinh học
- Cây che phủ
Cây che phủ là cây được trồng đặc biệt để có khả năng bảo vệ và cải thiện sức khỏe của đất thông qua quá trình cố định đạm (khi cây lấy đạm từ không khí vào rễ của nó). Ví dụ, cỏ ba lá (thuộc cây họ đậu) luôn sẵn có đạm nhờ cố định nitơ thành các nốt sần trên rễ của chúng. Việc cố định nitơ từ không khí thành các hợp chất hữu cơ của cây che phủ cũng có thể trở thành phân bón cho các loại cây trồng khác. Điều này làm giảm nhu cầu về phân bón tổng hợp gây ô nhiễm nguồn nước khi chúng rửa trôi ruộng trong mưa bão hoặc tưới tiêu.
Người nông dân có thể trồng cây che phủ xen giữa các mùa vụ để giảm xói mòn, tăng chất hữu cơ trong đất và cung cấp thức ăn cho côn trùng có ích.
- Giảm việc xới đất canh tác
Nông dân thực hành canh tác tái sinh ít xới xáo đất canh tác hơn so với nông dân thông thường, vì nó làm xáo trộn cấu trúc đất, giảm chất hữu cơ trong đất, tăng xói mòn và phá vỡ các sinh vật trong đất như giun đất. Họ sẽ để lại những phần còn lại của cây trồng sau thu hoạch trên bề mặt ruộng giúp chống xói mòn và tăng chất hữu cơ trong đất.
- Luân canh cây trồng
Việc luân canh cây trồng hàng năm giúp ngăn ngừa sâu bệnh kháng thuốc diệt cỏ hoặc thuốc trừ sâu. Điều này cũng cho phép các loại cây khác nhau được trồng trên cùng một diện tích đất canh tác của bạn, cung cấp thêm môi trường sống cho côn trùng và chim có lợi.
- Chăn thả luân phiên
Nông dân thực hành canh tác tái sinh chăn thả luân phiên gia súc của họ qua các đồng cỏ hoặc bãi chăn thả khác nhau. Việc này thúc đẩy đa dạng sinh học bằng cách cho phép cỏ dại và thực vật bản địa tái sinh sau khi được chăn thả, giúp cải thiện sức khỏe và độ màu mỡ của đất bằng cách tăng chất hữu cơ trong đất và cải thiện cấu trúc đất.
- Trồng cây làm hàng rào hoặc dải đệm thực vật
Trồng cây làm hàng rào và/hoặc dải đệm thực vật giúp bảo vệ nguồn nước khỏi dòng chảy, xói mòn và ô nhiễm bằng cách tăng môi trường sống cho các loài thụ phấn, chim và côn trùng có ích.
- Bảo tồn đất đai và làm đất bảo tồn
Là thành phần quan trọng của các phương pháp canh tác tái sinh, đã được chứng minh là cải thiện đa dạng sinh học và hấp thụ carbon trong nông nghiệp. Thực hành bảo tồn đất đai và làm đất bảo tồn là một trong những cách giúp duy trì đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sống tự nhiên, thực vật bản địa và động vật khỏi bị hủy diệt hoặc tuyệt chủng. Chúng cũng có thể giúp cải thiện chất lượng đất, kiểm soát cỏ dại, giữ độ ẩm trong đất thông qua các hoạt động nông nghiệp bền vững, giảm xói mòn và thúc đẩy khả năng giữ chất dinh dưỡng.
(Nguồn: GeoPard Agriculture)